Từ thuở còn nằm nôi, người Hội An đã nghe mẹ hát:
"Ai qua Phố Hội Chùa Cầu
Để thương để nhớ để sầu cho ai
Để sầu cho khách vãng lai
Để thương để nhớ cho ai chịu sầu"
Câu hát cứ day dứt mãi trong tâm trí nhiều thế hệ bởi một lẽ nào đấy, không dễ ai cũng thấu hiểu ý tứ sâu xa của lời mẹ ru ấy. Cùng khám phá 1 số điểm đến tiêu biểu trong khu phố cổ Hội An bạn nên có trong list lịch trình của mình nhé:
1. Chùa Cầu – Biểu tượng của Hội An
Nằm tiếp giáp đường Nguyễn Thị Minh Khai và đường Trần Phú, Hội An, Chùa Cầu (hay còn gọi chùa Nhật Bản) là công trình kiến trúc do các thương gia Nhật Bản đến buôn bán tại Hội An xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ 16. Do ảnh hưởng của thiên tại địch hoạ, Chùa Cầu đã qua nhiều lần trùng tu và dần mất đi các yếu tố kiến trúc Nhật Bản, thay vào đó là kiến trúc mang đậm phong cách Việt.
Chùa Cầu có dáng hình chữ Công, mặt cầu bằng ván gỗ cong vòng ở giữa, bắt qua con lạch thông ra sông Hoài. Cầu có mái che uốn cong mềm và được chạm trổ nhiều hoạ tiết tinh xảo. Trên cửa chính của Chùa Cầu có chạm nổi 3 chữ Hán là Lai Viễn Kiều (có nghĩa là cầu của những người bạn từ xa đến) tên do chúa Nguyễn Phúc Chu đặt trong một lần viếng thăm Hội An vào năm 1719. Trên sườn cầu có một ngôi miếu nhỏ thờ thần Bắc Đế Trấn Vũ – thần chuyên trấn trị phong ba, lũ lụt theo tín ngưỡng của người Trung Hoa. Ở hai đầu cầu có đặt hai nhóm tượng khỉ và chó bằng gỗ ngồi chầu. Lai lịch của Chùa Cầu gắn liền với truyền thuyết về con Cù – một loại thuỷ quái có đầu nằm ở Ấn Độ, mình ở Việt Nam và phần đuôi ở tận Nhật Bản và mỗi lần Cù cựa quậy là gây ra lũ lụt, động đất ở những nơi này. Vì vậy, ngoài việc xây cầu để phục vụ giao thông, người xưa còn có hàm ý trấn yểm loài thuỷ quái, giữ cho cuộc sống yên bình.
Chùa Cầu là tài sản vô giá và đã chính thức được chọn là biểu tượng của Hội An.
2. Nhà cổ Quân Thắng (77 Trần Phú, Hội An)
Là một trong những nhà cổ được đánh giá là đẹp nhất Hội An hiện nay. Ngôi nhà có niên đại hơn 150 năm, mang phong cách kiến trúc vùng Hoa Hạ – Trung Hoa. Qua năm tháng, ngôi nhà vẫn được bảo tồn khá nguyên trạng về kiểu dáng kiến trúc và các bài trí nội thất, giúp ta hình dung được phần nào lối sống của các thế hệ chủ nhân, những người thuộc tầng lớp thương gia ở thương cảng Hội An trước đây. Toàn bộ phần kiến trúc và điêu khắc gỗ rất sinh động, tinh tế của ngôi nhà này đều do các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng, Hội An thực hiện.
Đây là một trong những điểm tham quan chính trong hành trình khám phá di sản văn hoá thế giới Hội An của du khách.
3. Nhà cổ Tấn Ký (101 Nguyễn Thái Học, Hội An)
Được xây dựng cách đây trên 200 năm, nhà cổ Tấn Ký có kiểu kiến trúc hình ống – đặc trưng của loại nhà phố Hội An, với nội thất chia làm nhiều gian, mỗi gian có chức năng riêng. Mặt tiền nhà là nơi để mở cửa hiệu buôn bán, mặt sau thông với bến sông để làm nơi xuất, nhập hàng hoá. Vật liệu trang trí nội thất ngôi nhà chủ yếu là các loại gỗ quý và được trạm trỗ, điêu khắc rất tinh xảo các hình về giao long, hoa quả, bát bửu, dải lụa… thể hiện sự sung túc của các thế hệ chủ nhân.
Ngày 17 tháng 2 năm 1990, nhà cổ Tấn Ký đã được cấp bằng di tích lịch sử – văn hoá quốc gia.
4. Nhà cổ Phùng Hưng (04 Nguyễn Thị Minh Khai, Hội An)
Với tuổi thọ hơn 100 năm, nhà cổ Phùng Hưng có kết cấu độc đáo với phần gác cao bằng gỗ và các hành lang rộng bao quanh, thể hiện sự phát triển về kiến trúc và sự giao lưu giữa các phong cách kiến trúc Á Đông tại Hội An trong các thế kỷ trước đây. Ngôi nhà chứa đựng nhiều thông tin về lối sống của tầng lớp các thương nhân ở thương cảng Hội An xưa. Mặc dù cũng được thực hiện bằng chất liệu quý nhưng nhà cổ Phùng Hưng không trạm trổ, điêu khắc cầu kỳ mà được giữ thô một cách cố ý.
Nhà cổ Phùng Hưng được cấp bằng di tích lịch sử – văn hoá quốc gia vào tháng 6 năm 1993
5. Hội quán Phúc Kiến (46 Trần Phú, Hội An)
Tương truyền, tiền thân của Hội quán là một gian miếu nhỏ thờ pho tượng Thiên Hậu Thánh Mẫu (bà Chúa phù hộ cho thương nhân vượt sóng gió đại dương) vớt được tại bờ biển Hội An vào năm 1697. Qua nhiều lần trùng tu, với sự đóng góp chủ yếu của Hoa Kiều bang Phúc Kiến, hội quán càng trở nên rực rỡ, khang trang góp phần tô điểm diện mạo kiến trúc đô thị cổ Hội An. Thông qua cách bài trí thờ phụng các hình nhân: 6 vị tiền hiền (lục tánh), bà mụ, thần tài … hội quán thể hiện sâu sắc triết lý Á Đông về hạnh phúc con người.
Hàng năm, vào các ngày Nguyên Tiêu (15 tháng Giêng Âm lịch), Vía Lục Tánh (16 tháng 2 Âm lịch), vía Thiên Hậu (23 tháng 3 Âm lịch) … tại hội quán Phúc Kiến diễn ra nhiều hoạt động lễ hội thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham gia.
Hội quán Phúc Kiến đã được cấp bằng di tích lịch sử – văn hoá quốc gia ngày 17 tháng 2 năm 1990.
6. Hội quán Triều Châu (157 Nguyễn Duy Hiệu, Hội An)
Hội quán được Hoa Kiều bang Triều Châu xây dựng vào năm 1845 để thờ Phục Ba tướng quân Mã Viện – vị thần giỏi chế ngự sóng gió giúp cho việc đi lại buôn bán trên biển được thuận buồm xuôi gió, đắc lợi.
Hội quán có giá trị đặc biệt về kết cấu kiến trúc với bộ khung gỗ trạm gỗ chạm trổ tinh xảo cùng những hoạ tiết, hương án trang trí bằng gỗ và những tác phẩm đắp nổi bằng sành sứ tuyệt đẹp.
7. Hội quán Quảng Đông (17 Trần Phú, Hội An)
Hội quán được Hoa Kiều bang Quảng Đông xây dựng vào năm 1885. Thoạt đầu để thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu và Đức Khổng Tử, sau năm 1911 chuyển sang thờ Quan Công và Tiền Hiền của bang.
Với nghệ thuật sử dụng hài hòa các chất liệu gỗ, đá trong kết cấu chịu lực và họa tiết trang trí đã đem lại cho hội quán vẻ đẹp đường bệ, riêng có. Hàng năm, vào ngày Nguyên Tiêu (15 tháng Giêng Âm lịch), vía Quan Công (24 tháng 6 Âm lịch) tại đây diễn ra lễ hội rất linh đình, thu hút nhiều người tham gia.
8. Hội quán Ngũ Bang (64 Trần Phú, Hội An)
Hội quán Ngũ Bang còn có tên là hội quán Dương Thương hay Trung Hoa hội quán. Hội quán do các thương khách người Hoa gốc Phúc Kiến, Triều Châu, Quảng Đông, Hải Nam, Gia Ứng xây dựng vào năm 1741. Đây là nơi thờ Thiên Hậu Ngũ Bang và sinh hoạt đồng hương để giúp nhau làm ăn buôn bán. Hội quán Ngũ Bang mang đậm phong cách kiến trúc Trung Hoa.
9. Chùa Ông (24 Trần Phú, Hội An)
Chùa Ông được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ 17. Chùa Ông có kiến trúc uy nghi, hoành tráng, tại đây thờ vị tướng tài ba Quan Vân Trường (một biểu tượng về trung – tín – tiết – nghĩa) nên còn có tên gọi là Quan Công Miếu. Chùa Ông đã từng là trung tâm tín ngưỡng của Quảng Nam xưa, đồng thời cũng là nơi các thương nhân thường lưu đến để cam kết trong việc vay nợ, buôn bán, làm ăn và xin xăm cầu may.
10. Quan âm Phật tự Minh Hương (07 Nguyễn Huệ, Hội An)
Đây là ngôi chùa thờ Phật duy nhất còn lại giữa khu phố cổ. Quan âm Phật tự Hương có kiến trúc và cảnh quan xinh đẹp đồng thời còn lưu giữ gần như nguyên vẹn các tác phẩm điêu khắc gỗ đặc sản do các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng thực hiện. Chùa thờ Phật Quan Thế Âm Bồ Tát và một số chư vị Phật, Bồ Tát khác, vì vậy trong những ngày lễ, ngày rằm thường có rất nhiều người đến khẩn cầu.
11. Nhà thờ tộc Trần (21 Lê Lợi, Hội An)
Do một vị quan họ Trần xây dựng khoảng đầu thế kỷ 19 theo những nguyên tắc phong thuỷ truyền thống của người Trung Hoa và người Việt. Tọa lạc trên một khu đất rộng khoảng 1500 m2, có nhiều hạng mục: nhà thờ tự ông bà và trưng bày các di vật liên quan đến dòng họ, nhà ở … Đây là nơi tụ họp con cháu vào dịp lễ bái, tri ân tổ tiên và giải quyết những vấn đề trong dòng tộc.
Nhà thờ tộc Trần là một trong những điểm tham quan điểm tham quan được nhiều du khách quan tâm.
Tham khảo thêm thông tin dịch vụ du lịch Hội An, Hotline 0978786724- 0902125369 (Ms Hiền) cụ thể trong các bài viết khác sau: